logo

Thanh tra lao Động - Thương binh và Xã hội

Kết quả Chiến dịch thanh tra lĩnh vực may mặc tại thành phố Đà Nẵng

Thanh tra Bộ phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phát động “chiến dịch thanh tra lao động năm 2015” tại 150 doanh nghiệp lĩnh vực may mặc trên 12 tỉnh, thành phố. Chiến dịch được thực hiện tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 27 tháng 7 đến hết ngày 07 tháng 8 năm 2015

Hoạt động chiến dịch gồm tổ chức Hội thảo ba bên (Chủ các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn, Liên đoàn lao động địa phương, Thanh tra lao động), sau đó tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội và bình đẳng giới tại 14 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. 

Tình hình chung các doanh nghiệp được thanh tra

- Loại hình doanh nghiệp: 4/14 công ty cổ phần, trong đó 01 công ty cổ phần vốn nhà nước trên 51%; 10/14 công ty trách nhiệm hữu hạn, trong đó 05 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

- Quy mô lao động: 6/14 doanh nghiệp quy mô vừa (từ 102 đến 475 lao động); 8/14 doanh nghiệp còn lại quy mô lớn (từ 842 đến 4.109 lao động). Tổng số lao động đang làm việc tại 14 doanh nghiệp là 15.215 người, trong đó có 11.584 lao động nữ, 27 lao động cao tuổi, 31 lao động là công dân nước ngoài, 07 lao động là người khuyết tật và 03 lao động chưa thành niên.

- Tình hình vi phạm: Qua thanh tra đã phát hiện 136 sai phạm (bình quân 09 sai phạm/doanh nghiệp);

- Xử lý vi phạm: Đoàn thanh tra lập 03 biên bản vi phạm hành chính về lao động, bảo hiểm xã hội đối với 03 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt là 96.000.000 đồng.

Chánh Thanh tra Bộ đã ban hành kết luận thanh tra đối với từng doanh nghiệp, theo đó đã kiến nghị đối với chủ doanh nghiệp khắc phục ngay các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn lao động và yêu cầu thực hiện trong thời hạn các thiếu sót, vi phạm khác; đồng thời thông báo kết quả đến Sở lao động - Thương Binh và Xã hội và Ban quản lý các khu công nghiệp các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng. 

Những ưu, khuyết điểm, nguyên nhân và kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương được Chánh thanh tra Bộ lao động - Thương Binh và Xã hội kết luận và thông báo như sau:

1. Ưu điểm

- Các doanh nghiệp đã ký hợp đồng lao động đầy đủ với người lao động thuộc diện phải ký kết hợp đồng lao động, người học việc được ký hợp đồng học nghề, áp dụng thời gian thử việc đúng quy định.

- Các doanh nghiệp tổ chức làm việc 48 giờ/ tuần; 13/14 doanh nghiệp tổ chức làm thêm giờ không quá mức quy định; hầu hết doanh nghiệp đã thực ngày nghỉ hàng năm 14 ngày với công nhân may công nghiệp và hỗ trợ bữa ăn ca từ 10.000 đến 21.000 đồng/người/ngày.

- Các doanh nghiệp đã trả lương kịp thời, không thấp hơn lương tối thiểu vùng hiện hành. Hầu hết đã bám sát quy định về mức lương đã qua đào tạo, mức lương độc hại để quy định mức lương cơ bản làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội và trả lương ngày nghỉ có hưởng lương, trợ cấp thôi việc.

- Các doanh nghiệp lớn có nhà xưởng thiết kế hệ thống làm mát bằng nước thông gió đối lưu nên hầu hết kết quả đo môi trường đạt Tiêu chuẩn vệ sinh cho phép ban hành tại Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10 tháng 10 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế; đồng thời cũng đã thuê các tổ chức dịch vụ huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho các đối tượng theo Thông tư 27/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18 tháng 10 năm 2013 của Bộ lao động - Thương Binh và Xã hội.

- Các doanh nghiệp đã cấp phương tiện bảo vệ cá nhân thiết yếu như găng tay sắt cho thợ cắt, bao tóc, khẩu trang chống bụi và áp đồng phục, một số doanh nghiệp đã trang bị dép đi trong nhà cho toàn bộ lao động.

- Hệ thống chống sét và lối thoát hiểm hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện đúng quy định.

- Đến thời điểm thanh tra, có 02 doanh nghiệp chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội một hoặc hai tháng. Các doanh nghiệp đã ứng tiền thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội kịp thời cho người lao động.

2. Thiếu sót, khuyết điểm

- Về hợp đồng lao động: Chưa ghi cụ thể các nội dung theo quy định của pháp luật lao động đối với các hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động.

- Về đối thoại tại nơi làm việc: Chưa tiến hành đối thoại định kỳ 03 tháng một lần hoặc tiến hành đối thoại nhưng không lập biên bản đối thoại.

- Về tiền lương và trả công lao động: 3/14 doanh nghiệp chưa trả phần tiền lương độc hại cho lao động làm các công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc trả nhưng chưa đủ theo quy định; chưa trả lương cho lao động nữ nghỉ trong thời gian hành kinh; chưa thỏa thuận với người lao động về các loại chi phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản.

- Các doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước hiện chưa xây dựng và áp dụng thang lương, bảng lương theo quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ mà vẫn áp dụng mức lương đóng bảo hiểm xã hội theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP và lương cơ sở 1.150.000 đồng.

- Về an toàn lao động, vệ sinh lao động: Một số doanh nghiệp chưa khai báo trước khi đưa vào sử dụng các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương; chưa huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho cán bộ quản lý và người lao động;  Các doanh nghiệp đã thuê dịch vụ huấn luyện thì tài liệu huấn luyện do đơn vị dịch vụ cung cấp là tài liệu khung của Bộ lao động - Thương Binh và Xã hội. không có nội dung quy trình làm việc, biện pháp an toàn đối với chưa có bảng chỉ dẫn về an toàn lao động đối với máy, thiết bị tại nơi làm việc. Nhiều doanh nghiệp để mày mài hai đá của bộ phận bảo trì không đảm bảo an toàn.

Máy mài không có bảo hiểm, kính chắn bụi và bệ tỳ (anh MK)

- Về trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động: 100% doanh nghiệp chỉ cấp áo, không cấp cả bộ quần áo phổ thông như danh mục Bộ lao động - Thương Binh và Xã hội quy định đối với chức danh may công nghiệp. Lý do nghề may trong xưởng không có bức xạ hay hóa chất phải bảo vệ, việc cấp đồng phục chỉ để phân loại công nhân). Chỉ có 2/14 doanh nghiệp cấp dép đi trong nhà cho thợ may. Một số doanh nghiệp không cấp khẩu trang với lý do người lao động thường dùng khẩu trang đi đường đã tự trang bị theo sở thích thời trang. Một số doanh nghiệp thiếu giày cho công nhân cơ điện.

- Chỉ 3/14 doanh nghiệp có hệ thống thoát hiểm chưa đúng quy định: Chưa kẻ ranh giới đường đi lại và lối thoát hiểm, chưa lắp đèn báo thoát hiểm và sơ đồ chỉ dẫn lối thoát hiểm, cửa thoát hiểm kho vải khóa ngoài, đường đi lại trong xưởng còn để vật liệu lấn chiếm

3. Nguyên nhân

-  Nhận thức của doanh nghiệp: Các lỗi ghi hợp đồng lao động không cụ thể, chưa trả lương 30 phút làm vệ sinh kinh nguyệt cho phụ nữ, chưa thỏa thuận trách nhiệm trả phí duy trì tài khoản là lỗi nhỏ thường do doanh nghiệp chưa biết.

-  Chất lượng đơn vị dịch vụ: Việc huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cấp chứng chỉ đầy đủ nhưng đơn vị vẫn chưa có đủ quy trình, biện pháp an toàn đối với các công việc có yếu tố nguy hiểm, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; tài liệu huấn luyện không có nội dung cụ thể biện pháp an toàn đối với từng công việc có yếu tố nguy hiểm thực tế tại doanh nghiệp là do chất lượng dịch vụ huấn luyện.

-  Chất lượng tuyên truyền pháp luật và thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương. Hàng năm địa phương đều có tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật, doanh nghiệp cũng đã gửi thang lương, bảng lương, thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan chức năng địa phương (thậm chí địa phương đã có văn bản chấp thuận), nhưng mức lương cơ bản của công nhân may công nghiệp vẫn là 1,07 hoặc 1,12 lương tối thiểu vùng là chưa đủ (1,07x1,05=1,1235).

-  Chính sách chưa kịp thời: Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ thống nhất nguyên tắc trả lương đối với các loại hình doanh nghiệp, nhưng văn hướng dẫn chuyển đổi quyền lợi bảo hiểm xã hội cho người lao động chậm nên đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương cơ sở và hệ số lương theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP.

4. Kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương

-  Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền pháp luật cho người sử dụng lao động trên địa bàn, trong đó chú trọng các nội dung doanh nghiệp thường vi phạm về tiền lương và chế độ với các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động.

-  Không ban hành văn bản chấp thuận thang lương, bảng lương, thỏa ước lao động tập thể và nội quy lao động của doanh nghiệp gửi hoặc đăng ký. Việc thẩm định hồ sơ, nếu thấy nội dung trái pháp luật thì có văn bản thông báo, hướng dẫn doanh nghiệp sửa đổ, bổ sung và gửi hoặc đăng ký lại theo Điều 120 Bộ luật Lao động. 

-  Hướng dẫn, kiểm tra các doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước về việc xây dựng và áp dụng thang lương, bảng lương theo quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ.

-  Chấn chỉnh việc thẩm định chương trình, tài liệu huấn luyện an toàn vệ sinh lao động đối tượng 3 đối với các đơn vị dịch vụ huấn luyện, phải phân tích, đánh giá phù hợp với đặc điểm công việc và điều kiện lao động thực tế tại cơ sở theo Điều 10 Thông tư 27/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18 tháng 10 năm 2013 của Bộ lao động - Thương Binh và Xã hội.

- Tăng biên chế cho Thanh tra Sở; tạo điều kiện cho cán bộ Thanh tra Sở được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và chuyển ngạch Thanh tra viên.

Mạnh Kiểm

  • Chia sẻ
Nguồn:
Tin Liên quan
Tài liệu mới
Đọc nhiều

cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Thanh tra lao dộng - Thương binh và Xã hội

  • 12 Ngô Quyền- Hoàn Kiếm- Hà Nội
  • (024) 39362932 Fax:(024) 39363749
  • banbientap@thanhtralaodong.vn

Trưởng ban biên tập:
Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ

Đặt làm trang chủ Về đầu trang